Sân khấu chờ ngày sáng đèn: Gập ghềnh bao nỗi lo toan

VHO- Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các sân khấu tại TP.HCM chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có nơi đã đóng cửa cả năm nay. Các nghệ sĩ của nhiều bộ môn như Kịch nói, Hát bội, Cải lương… chỉ còn biết ở nhà tập luyện online và cứ đau đáu nỗi nhớ nghề, nhớ sàn diễn, nhớ khán giả.

Sân khấu chờ ngày sáng đèn: Gập ghềnh bao nỗi lo toan - Anh 1

 Hát bội đa phần chỉ biểu diễn tại đình làng trong các dịp lễ hội, nên việc trở lại sẽ là vô cùng khó khăn (Ảnh: Trích đoạn “Châu Tán đá Thanh Long đao”)

 Sau khi nghe tin thành phố trở lại “bình thường mới”, đồng thời các sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật được hoạt động với quy mô tối đa 70 người, điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin, giới nghề đã vui mừng khôn xiết, dẫu biết chặng đường phía trước vẫn còn gập ghềnh bao nỗi lo toan.

Tiếp tục đợi chờ và hy vọng

Sân khấu Hoàng Thái Thanh chính thức đóng cửa từ ngày 3.5, đến nay đã hơn năm tháng, chẳng ai có thể tưởng tượng được đợt dịch lần thứ 4 này lại kéo dài và để lại hậu quả nặng nề đến vậy. Nghệ sĩ Ái Như, “bà bầu” Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh hòa cùng niềm vui của hàng triệu người dân TP được nới lỏng giãn cách, nhưng cũng không giấu được lo lắng: “Hiện tại, đa phần anh em nghệ sĩ đã được tiêm vắc xin, tuy nhiên việc mở cửa lại sân khấu thì chưa mấy khả quan, vì tất cả đang nằm ngoài tầm tay. Để giữ gìn sân khấu sáng đèn được hay không phụ thuộc rất lớn vào tài lực… mà thời gian qua, anh em văn nghệ sĩ đều thất nghiệp hết. Vết thương mà dịch bệnh để lại tác động rất lớn không chỉ vật chất mà cả tinh thần. Tính ra năm nay chúng tôi đã nghỉ bảy tháng rồi, còn nếu tính từ năm ngoái thì con số còn kinh khủng hơn nữa”.

Theo NSƯT Ngọc Khanh, “bà bầu” của gánh tuồng cổ Ngọc Khanh, Hát bội ngày nay không còn được ưa chuộng như một số loại hình nghệ thuật khác, đa phần chỉ biểu diễn tại các đình làng trong dịp lễ hội. “Hai năm qua có quá nhiều khó khăn, nhưng vì dịch bệnh nên nghệ sĩ chúng tôi đành chấp nhận thực tế và cố gắng bươn chải để mưu sinh, chờ đến lúc sân khấu sáng đèn trở lại, được mang lời ca tiếng hát của mình đến với khán giả. Thế nhưng các lễ hội ở đình, chùa chưa biết đến khi nào mới được hoạt động, thành ra anh em trong đoàn cũng chỉ biết tiếp tục hy vọng và chờ đợi mà thôi”.

Đại diện sân khấu Idecaf thì cho biết, đơn vị vẫn chưa mở cửa vì Idecaf không chỉ có kịch người lớn mà còn có kịch thiếu nhi. Tuy nhiên, do các bé chưa được tiêm vắc xin nên việc đến sân khấu để thưởng thức kịch là điều không thể. Bên cạnh đó, khán giả còn khá e dè với các hoạt động tập trung đông người, giải trí trực tuyến lại lên ngôi, nên việc “kéo” khán giả ra rạp cũng gặp nhiều trắc trở. Hiện, khó khăn chung mà các sân khấu TP.HCM gặp phải là theo quy định của cơ quan chức năng, sân khấu chỉ cho tối đa 70 người. Thế nhưng với một vở diễn thì cần rất nhiều nghệ sĩ, nhân viên hậu đài…, vậy nên lượng khán giả cho mỗi suất diễn sẽ bị hạn chế và các sân khấu cũng không thể tăng giá vé để bù lỗ.

Chuẩn bị kỹ cho ngày tái ngộ

Khó khăn là điều không thể tránh khỏi, khi không chỉ nghệ thuật biểu diễn mà tất cả các ngành nghề khác đều bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch. Chính vì thế, thay vì “than trời than đất”, nhiều sân khấu, nghệ sĩ đã nhanh chóng bắt tay vào tập luyện, chuẩn bị cho các dự án mới, hứa hẹn sự khởi sắc đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng.

NSƯT Trịnh Kim Chi vui mừng vì mọi người được trở lại cuộc sống bình thường sau nhiều tháng giãn cách xã hội. Ngày đầu TP mở cửa, chị đến công ty giải quyết một số việc và trao những phần quà của các Mạnh Thường Quân ủng hộ anh em nghệ sĩ khó khăn trong mùa dịch. “Tôi đã chuẩn bị một số kịch bản cho anh em tập thoại online, phân tích nhân vật trước… Khi tình hình tạm ổn, anh chị em nghệ sĩ được đi lại tập vở mới, chúng tôi sẽ làm lễ cúng Tổ trong nội bộ. Hiện nay, một số anh chị em chỉ mới tiêm mũi 1, đang chờ tiêm mũi 2 nên chúng tôi vẫn phải chờ đợi”, nữ nghệ sĩ chia sẻ. Sân khấu Trịnh Kim Chi đã tắt đèn từ sau Tết đến nay. Bên cạnh niềm vui, sự háo hức cho cuộc sống bình thường mới, chị cũng không khỏi thấp thỏm, lo âu cho sức khỏe của anh em trong đoàn cũng như khán giả.

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng đang đầu tư dàn dựng các vở Tiếng trống Mê Linh (tác giả: Việt Dung - Vĩnh Điền, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu); Ngược gió (tác giả: Nguyễn Ngọc Tư, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu); Đứa con họ Triệu (tác giả: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Lê Trung Thảo)… Đại diện Nhà hát cho biết, hiện tại anh chị em nghệ sĩ vẫn đang tiếp tục tập luyện, làm nghề và cho ra đời những tác phẩm mới chất lượng, với hy vọng sớm được mang tiếng hát của mình đến với khán giả thân yêu.

Tương tự, từ giữa tháng 6, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM đã chuyển sang hoạt động online để nghệ sĩ đỡ nhớ nghề, cũng như nhanh chóng vào guồng khi được hoạt động trở lại. Hơn 3 tháng qua, vở Hát bội Thái tử Câu La Na (tác giả: Hoàng Châu Ký, đạo diễn: NSƯT Hữu Danh) đã được các nghệ sĩ học kịch bản, tập thoại, trao đổi về cách xử lý tâm lý nhân vật… thông qua hình thức trực tuyến. Đến đầu tháng 9, vở Chiếc áo thiên nga (tác giả: Lê Duy Hạnh, chuyển thể hát bội: NSƯT Hữu Danh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) cũng đã được nhà hát triển khai cho nghệ sĩ tập tuồng online, dự kiến thời gian tập kéo dài khoảng 2 tháng.

Có thể thấy, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giới nghệ sĩ sân khấu đều mong mỏi một ngày gần nhất có thể đưa đến công chúng những vở diễn mới như một món ăn tinh thần để mọi người sớm vượt qua đau thương, mất mát, quay trở về với nhịp sống thường ngày. Dù rằng, thực tế là nghệ thuật biểu diễn không thể phục hồi ngay trong giai đoạn đầu của hậu giãn cách bởi người dân cũng đang rất khó khăn về kinh tế, việc dành thời gian và chi phí cho việc thưởng thức nghệ thuật cũng sẽ có nhiều hạn chế, cân nhắc…

 THẢO MY

Ý kiến bạn đọc